NGÔ QUANG HUY
Ngô Quang Huy biệt hiệu là Quang Hiên, sinh năm 1835 ở xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Ngô Quang Huy là người thông minh, nổi tiếng hay chữ một vùng, đương thời có câu: “Thần Siêu, Thánh Quát, trẻ Quang Huy”. Năm 17 tuổi ông đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) tại trường thi Hà Nội, được bổ làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1883 Triều đình Huế kí Hoà ước với Pháp ra lệnh bãi binh. Nguyễn Thiện Thuật bỏ quan về huyện Đông Triều chiêu mộ quân đánh Pháp. Ngô Quang Huy cùng em trai là Ngô Quang Chước, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867) tại trường thi Hà Nội đang làm Huấn đạo huyện Mỹ Đức đều bỏ quan chiêu mộ được hơn 100 quân đến Đông Triều gia nhập đội quân khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật.
Ngô Quang Huy là nhà nho từng làm đốc học, nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục. Ông đã thành lập một đội tuyên truyền gồm các nho sinh hô hào đồng bào gia nhập nghĩa quân, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Nghĩa quân do các ông chỉ huy hoạt động mạnh ở các huyện Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Mỹ Hào và vùng chung quanh lỉnh lị Hải Dương.
Chiều 12/11/1883 nghĩa quân do Nguyễn Thiện Thuật, Hai Kế, Đề Vinh chỉ huy xuất phát từ Đông Triều về hạ thành Hải Dương. Đánh nhau đến gần sáng ngày 13 tháng 11, nghĩa quân không hạ được thành phải rút. Ngô Quang Huy trở về An Lạc cùng Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè, Tạ Hiện thành lập Tam tỉnh nghĩa quân còn gọi là “Đại nghĩa đoàn". Nghĩa quân có 5.000 người, xây dựng căn cứ ở núi Nham Biền (Yên Dũng, Bắc Giang) và các căn cứ ở Trúc Ty, Vân Cốc, Trung Đồng. Sau vài tháng bị quân Pháp liên tục tấn công, lực lượng nghĩa quân suy yếu, thiếu súng đạn, bị quân Pháp truy kích nghĩa quân tan rã, Ngô Quang Huy trở về An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang chờ thời, bí mật liên kết với các nghĩa sĩ.
Tháng 8/1885, Nguyễn Thiện Thuật được vua Hàm Nghi phong là Lễ bộ thượng thư, sung Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, tước Thuần trung hầu. Nguyễn Thiện Thuật trở về vùng giáp ranh ba tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh cho người mời cử nhân Ngô Quang Huy và Nguyễn Hữu Đức tới bàn bạc. Nhận được tin, Ngô Quang Huy lập tức đến gặp Nguyễn Thiện Thuật. Ba ông đã nhất trí phải khôi phục phong trào Bãi Sậy và mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân sang Bắc Ninh, Hải Dương và các tỉnh khác. Nguyễn Thiện Thuật giao cho Ngô Quang Huy phụ trách miền Nam Bắc Ninh, Bắc Hưng Yên và Bắc Hải Dương.
Sau đó không lâu, Ngô Quang Huy nhận được sắc phong của vua Hàm Nghi phong cho ông là "Hồng lô Tự khanh, Tán lý quân vụ”. Nghĩa quân và nhân dân coi Ngô Quang Huy là nhân vật số hai của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nên thường gọi ông là “ông Tán Bắc", "ông Tán Thái Lạc”...
Ngô Quang Huy cùng em trai là Ngô Quang Chước, Tuần Văn người xã Xuân Quan, huyện Văn Giang đã dấy binh từ năm 1883 theo Đổng Quế, Đốc Sung, trợ thủ của Tuần Vân, Đội Văn (Vương Văn Vang) vốn là tướng giỏi của Tam tỉnh nghĩa quân năm 1884, cả hai ông đều được Bắc Kỳ hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật phong là Đề đốc, phát triển lực lượng ra vùng chung quanh.
Ngô Quang Huy thành lập một đội quân tuyên truyền tố cáo tội ác của giặc Pháp và quan lại Nam triều, họp các kỳ hào và dân chúng, tuyên đọc Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Ông còn cho đắp đê, trồng tre dọc sông Nghĩa Trụ kéo dài từ xã Ngọc Kinh, qua Tuấn Dị, Vĩnh Bảo đến các xã Đông Khúc, Vĩnh Khúc, Tráng Vũ, Kênh Cầu dài gần 20 cây số, một con đê khác từ Nghĩa Trai đến Cầu Ghênh (Nhạc Miếu) dài 4 cây số làm tuyến phòng thủ. Ông cho đắp nhiều gò đống, đắp nhiều bờ ruộng cao, khơi sâu kênh mương ở dọc đường 5 để quân sĩ ẩn núp phục kích quân Pháp.
Nghĩa quân do Ngô Quang Huy chỉ huy đánh nhiều trận như trận tấn công đồn Bần Yên Nhân, nhiều trận phục kích quân Pháp ở đồn Ghênh, đồn Bần Yên Nhân, đồn Đống Mối (Nghĩa Lộ tổng Đại Từ, Văn Lâm). Các trận càn của quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải vào An Lạc, Đình Dù, Đại Từ, Nghĩa Trai, Đông Khúc, Khúc Lộng... đều bị nghĩa quân đánh bật ra bảo vệ được căn cứ.
Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy còn được vua Hàm Nghi và Thượng thư bộ Lễ Nguyễn Quang Bích giao cho việc tổ chức lực lượng kháng chiến ở vùng đồng bằng sông Hồng. Ông thường thảo thư từ liên lạc với các quan lại trong phe chủ chiến và sớ gửi vua Hàm Nghi.
Mặc dù đã nhiều cố gắng, song bị quân Pháp liên tục bao vây, truy kích Ngô Quang Huy đành phải giải tán nghĩa quân rồi cùng em là Ngô Quang Chước cùng mươi nghĩa quân thân tín chạy lên Phủ Lạng Thương (tỉnh Bắc Giang ngày nay), quân Pháp vẫn đuổi sát phía sau, để giữ trọn danh tiết không sa vào tay giặc, ngày 1 tháng 4 năm Kỷ Sửu (khoảng 1/5/1889), Ngô Quang Huy đã tự tử. Ngô Quang Chước cùng mấy nghĩa quân chôn cất, rồi san bằng mặt ruộng cho mất dấu tích. Mươi năm sau, ông Chước quay lại tìm thì không thấy.
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,20999.100.html